Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc (NBS) vừa công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7 giảm 0,3% so với năm 2022. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 2/2021, CPI Trung Quốc đi xuống tuy đã cận kề mức giảm phát vài tháng nay.
Chỉ số giá sản xuất (PPI) cũng giảm tháng thứ 10 liên tiếp, khi co lại 4,4% trong tháng 7 so với năm ngoái. Đây là lần đầu tiên kể từ tháng 11/2020, cả CPI và PPI cùng giảm.
Trung Quốc đang trải qua giai đoạn giá giảm hiếm hoi, khi cả nhu cầu của người tiêu dùng và doanh nghiệp yếu đi. Kinh tế Trung Quốc từng được dự báo sẽ trở lại mạnh sau quý I bùng nổ khi chính phủ nước này chấm dứt chính sách Zero Covid. Tuy nhiên, thị trường bất động sản trì trệ, nhu cầu hàng xuất khẩu lao dốc và nhu cầu từ thị trường ngày càng thu hẹp đang tạo sức ép cực lớn với sự hồi phục của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới.
Giảm phát được định nghĩa là mức giảm bền vững và trên quy mô lớn với giá hàng hóa, dịch vụ trong một khoảng thời gian nhất định. Đây không phải là điều tích cực với nền kinh tế. Vì khi người tiêu dùng và doanh nghiệp trì hoãn chi tiêu để kỳ vọng giá giảm thêm, khiến các vấn đề kinh tế sẽ càng thêm trầm trọng.
Hoạt động kinh tế sẽ bị kìm hãm. Doanh nghiệp phải giảm giá sản phẩm. Việc này sẽ “bào mòn” doanh thu và lợi nhuận, buộc các công ty hạn chế đầu tư và tuyển dụng. Đây chính là tình trạng Nhật Bản đã phải trải qua suốt nhiều thập kỷ.
Tuy nhiên, Cục Thống kê Trung Quốc cho rằng CPI giảm do mức nền năm ngoái cao. Họ khẳng định việc này chỉ là tạm thời và nhu cầu tiêu dùng vẫn có cải thiện trong tháng 7. So với tháng trước, CPI tháng 7 tăng 0,2%.
“CPI sẽ tăng dần lên”, Dong Lijuan – chuyên gia thống kê tại NBS cho biết.
Lạm phát lõi (không tính giá lương thực và nhiên liệu vốn thường xuyên biến động) cũng tăng tốc lên 0,8%. Việc này cho thấy nhu cầu nền tảng trong nền kinh tế vẫn có. Tính theo từng ngành hàng, giá đồ dùng, thực phẩm và phương tiện giao thông co lại. Tuy nhiên, giá dịch vụ như giải trí, giáo dục của nước này lại tăng.
CABO Team tổng hợp