Thomas Mayer, Nhà sáng lập Viện nghiên cứu Flossbach von Storch cho rằng Đức rất có thể sẽ trở thành gánh nặng của châu Âu như đã từng trong thập niên 90. “Tôi nghĩ Đức đang cạnh tranh (với Italy) cho biệt danh ‘Con bệnh của châu Âu” (Sick Man of Europe)”, ông này chia sẻ.
Danh xưng này được cho là ra đời vào thế kỷ 19, dùng để chỉ một thành viên châu Âu đang gặp khủng hoảng về kinh tế hoặc nghèo đói. Đức đã từng mang “danh xưng” này vào những năm sau 1990, khi quá trình gắn kết Đông Đức và Tây Đức đã làm suy yếu sự năng động của nền kinh tế.
Những năm qua, “Sick Man of Europe” thường xuyên bị gắn cho Italy – nền kinh tế lớn thứ ba châu Âu. Dù kết quả quý II khả quan hơn Đức nhưng Thủ tướng Itlay Giorgia Meloni tuần qua cũng thừa nhận nền kinh tế nước này đang suy yếu và tình trạng suy giảm dân số thậm chí còn đáng báo động hơn.
Văn phòng thống kê liên bang Đức mới đây cho biết nền kinh tế này không tăng trưởng trong quý II. Kết quả này thấp hơn kỳ vọng tăng trưởng 0,1% trong cuộc khảo sát của Reuters.
“Thực sự có một số xu hướng tích cực trong tiêu dùng tư nhân và đầu tư, nhưng điều đó là chưa đủ, và các số liệu vẫn chưa khả quan”, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck thừa nhận.
Đến quý II, Đức vẫn là nền kinh tế lớn của khu vực euro-zone nhưng có thành tích kém nhất. Kinh tế Pháp và Tây Ban Nha tăng trưởng với tốc độ bền vững nhờ xuất khẩu và du lịch mạnh mẽ hơn.
Đức chỉ vừa thoát khỏi suy thoái và việc không tăng trưởng đã cho thấy tình trạng công nghiệp nước này còn khó khăn, khiến họ khả năng là thành viên duy nhất của G7 có thể tăng trưởng âm năm nay, theo Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Việc Đức một lần nữa có nguy cơ nhận lại biệt danh “Con bệnh của châu Âu” là do cuộc khủng hoảng năng lượng kéo dài làm khó ngành sản xuất trong bối cảnh phải vật lộn với tình trạng thiếu hụt nhân sự và năng suất kém. Nền kinh tế nước này đã phụ thuộc lâu dài vào khí đốt của Nga và nói không với năng lượng hạt nhân. Do đó, bài toán năng lượng và chuyển đổi khỏi nhiên liệu hóa thạch là thách thức lớn.
Cùng với đó, cạnh tranh toàn cầu ngày càng gay gắt về xe điện đe dọa năng lực sản xuất ôtô của nước này. Nền kinh tế tập trung vào việc sản xuất những chiếc xe hơi chạy xăng trong khi các đối thủ tăng cường sản xuất xe điện cũng là một vấn đề. Nhu cầu của xe Volkswagen ở Trung Quốc suy giảm một phần là nguyên nhân dẫn đến việc cắt giảm triển vọng doanh số.
David Folkerts-Landau, chuyên gia kinh tế tại Deutsche Bank AG, cho rằng nó sẽ là rắc rối lớn trong tương lai. “Ngành sản xuất quy mô lớn của Đức đang tụt hậu rất nhiều so với Mỹ vì khoảng cách công nghệ đang ngày càng một nới rộng”, ông nói.
Những thách thức dài hạn như vậy còn diễn ra trong lúc nhu cầu sản phẩm Đức nói chung từ Trung Quốc suy yếu và chính sách tiền tệ đang bị thắt chặt tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tuần qua, Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) tăng lãi suất tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản (0,25%) để kiềm chế lạm phát, đưa lãi suất tham chiếu lên mức cao nhất 23 năm.
Clemens Fuest, Chủ tịch Viện IFO có trụ sở tại Munich, thậm chí cho rằng Đức vẫn đang suy thoái, dẫn lý do từ sản xuất tiếp tục đi xuống trong cuộc khảo sát kinh doanh hàng tháng của Ifo công bố hôm 25/7. Một hôm trước đó, chỉ số nhà quản trị mua hàng của S&P Global cũng ghi nhận yếu kém rõ ràng của ngành công nghiệp, dù dịch vụ đi lên.
Là nền kinh tế lớn nhất khu vực, điều đó có nghĩa Đức đang kéo cả châu Âu chậm lại. “Các điều kiện chung vẫn kém và những chỉ số hàng đầu không cho thấy động lực đáng kể trong nửa cuối năm nay”, Gertrud Traud, chuyên gia kinh tế lại Helaba nói.
Tuy nhiên, kinh tế Đức vẫn có vài điểm sáng. Tỷ lệ thất nghiệp ở mức 5,7%, thuộc hàng thấp nhất mọi thời đại. Thị trường lao động mạnh mẽ đang hỗ trợ người tiêu dùng tại thời điểm lạm phát cao.
Arne Freundt, Giám đốc điều hành của Puma đánh giá “nhu cầu ổn định” ở Đức đối với giày thể thao và quần áo của công ty ông. Giám đốc tài chính của Volkswagen Arno Antlitz, cũng lạc quan tương tự. “Có một sự không chắc chắn nhất định về phía khách hàng liên quan đến lạm phát, nhưng cá nhân tôi không nghĩ sẽ có suy thoái trong các quý tới”, ông nói.
Ngoài ra, dù các công ty sản xuất lớn ít nhiều chật vật hơn nhưng cộng đồng doanh nghiệp gia đình vừa và nhỏ của Đức, gọi là Mittelstand, vẫn đang là xương sống vững chắc cho sự thịnh vượng. Họ có những sản phẩm chuyên biệt, từ lâu đã tạo nền tảng cho sức mạnh xuất khẩu của nước này và đây được xem là một trong những trụ cột giữ nền kinh tế lớn nhất châu Âu khỏi danh xưng “Con bệnh của châu Âu” ở thời điểm hiện tại.
CABO Team tổng hợp