Cho đến thời điểm hiện tại đã có 7/27 ngân hàng niêm yết công bố kết quả kinh doanh, báo cáo tài chính (BCTC) quý II/2023 với chỉ báo về một năm nhiều khó khăn với hệ thống ngân hàng.
Theo đó, trong số 7 đơn vị công bố kết quả kinh doanh thì có tới 4 ngân hàng báo lợi nhuận trước thuế quý II giảm từ 25 – 94% so với cùng kỳ; luỹ kế 6 tháng, có 3/7 nhà băng có lợi nhuận giảm từ 11 – 59% so với cùng kỳ 2022.
Cụ thể, ABBank là ngân hàng có lợi nhuận suy giảm mạnh nhất trong quý II với mức giảm 94% so với cùng kỳ, đạt 67 tỷ đồng. Lũy kế 6 tháng, lợi nhuận của ngân hàng ở mức 679 tỷ đồng, giảm 59% so với cùng kỳ và mới chỉ đạt 24% kế hoạch năm 2023.
Chi phí dự phòng rủi ro tăng nhanh là một trong những nguyên nhân chính khiến lợi nhuận của ABBank giảm mạnh. Theo đó, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng trong quý II/2023 là 698 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ và lũy kế 6 tháng là 814 tỷ, gấp 3,7 lần cùng kỳ 2022.
Nguyên nhân lớn tiếp theo khiến lợi nhuận ngân hàng này giảm mạnh là do thu nhập lãi thuần sụt giảm mạnh trong nửa đầu năm với mức giảm 13% còn 1.566 tỷ đồng. Điều này được cho là đến từ việc tăng trưởng tín dụng thấp (tăng 2,5%) trong khi tiền gửi khách hàng tăng cao hơn (tăng 4%), trong khi đó chi phí trả lãi trong nửa đầu năm 2023 tăng nhanh và mạnh.
Nhà băng tiếp theo có sự suy giảm lợi nhuận mạnh quý II và 6 tháng đầu năm là LPBank với mức giảm so với cùng kỳ lần lượt là 51% và 32%.
Nguyên nhân của việc lợi nhuận sụt giảm phần lớn do các mảng kinh doanh hoạt động kém hiệu quả. Trong đó, thu nhập lãi thuần 6 tháng giảm 11,7% xuống còn 5.224 tỷ đồng. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư bị lỗ 4 tỷ (trong khi cùng kỳ lãi đậm 346 tỷ đồng).
Nợ xấu tăng mạnh cũng là 1 điểm đáng chú ý. Tỷ lệ nợ xấu ngân hàng tính đến 30/6/2023 là 2,23%, trong đó, nợ có khả năng mất vốn (nợ nhóm 5) tăng 80% lên 2.438 tỷ đồng.
Nhà băng thứ 3 có lợi nhuận quý II và 6 tháng đầu năm là TPBank với mức giảm lần lượt so với cùng kỳ là 25% và 11% và mới đạt 39% kế hoạch lợi nhuận năm 2023.
Cùng chung cảnh ngộ với các nhà băng nêu trên, lợi nhuận không đạt kỳ vọng chủ yếu do sự suy giảm của hoạt động kinh doanh cốt lõi – thu nhập lãi thuần 6 tháng giảm 6,8% xuống còn 5.466 tỷ đồng.
Ngân hàng này cho biết nguyên nhân chủ yếu do nền kinh tế có nhiều biến động và khó khăn, lãi suất cho vay có xu hướng giảm trong khi lãi suất huy động kỳ hạn dài vẫn ở mức tương đối cao khiến chi phí lãi tăng mạnh nửa đầu năm, từ đó khiến thu nhập lãi thuần sụt giảm.
Có thể thấy, bức tranh chung của 7 nhà băng đầu tiên công bố báo cáo tài chính là đến từ hoạt động lõi. Trong bối cảnh lãi suất huy động tăng cao, tăng trưởng tín dụng thấp, thu nhập lãi thuần nhìn chung suy giảm; nợ xấu tăng khiến nhiều ngân hàng phải tăng trích lập dự phòng rủi ro, ảnh hưởng trực tiếp đến lợi nhuận trước thuế.
Ngay cả một số ngân hàng báo lợi nhuận trước thuế tăng, với mức tăng từ 10-80% trong quý II thì lại phần nào cũng đến từ giảm trích lập dự phòng rủi ro. Thực tế giảm trích lập dự phòng rủi ro để tăng lợi nhuận trong bối cảnh rủi ro nợ xấu vẫn cao được các chuyên gia ví như đi trên dây, nghiên quá về 1 bên là rất nguy hiểm.
Theo đó, PGBank báo lợi nhuận trước thuế quý II đạt 150 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ; lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế đạt 303 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 57% kế hoạch năm. Tuy nhiên, lợi nhuận một phần đến từ việc giảm chi phí dự phòng rủi ro tín dụng (-39%) xuống còn 87 tỷ đồng.
Trong khi đó, nợ xấu của ngân hàng tăng khá nhanh, tính đến 30/6/2023, tỷ lệ nợ xấu là 2,77%/tổng dư nợ cho vay khách hàng.
Một số ngân hàng lợi nhuận sẽ còn giảm sâu hơn nếu như không giảm trích lập dự phòng rủi ro trong quý II và 6 tháng đầu năm như TPBank, BacABank, LPBank…
BacABank là ngân hàng đầu tiên công bố báo cáo tài chính quý II/2023 với lợi nhuận trước thuế quý 2/2023 của ngân hàng đạt 139 tỷ đồng, giảm 25% so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, nhờ quý 1 có kết quả tích cực, lũy kế 6 tháng đầu năm lợi nhuận trước thuế của ngân hàng đạt 474 tỷ đồng, tăng 10%. Quý II, BacABank đã giảm trích lập dự phòng 21% so với cùng kỳ năm trước còn gần 40 tỷ đồng.
Bức tranh chung của ngành ngân hàng là khá ảm đạm. Điều này là rất khác biệt so với thời điểm 6 tháng đầu năm 2022 khi một loạt các nhà băng báo lãi lớn, gây ấn tượng với kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh từ 40 – 80%.
CABO Teams tổng hợp