Quyết định giảm lãi suất điều hành sẽ có hiệu lực vào ngày 19/6. Cụ thể, mức lãi suất tối đa với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng sẽ giảm từ 5% xuống 4,75%/năm. Còn lãi suất tối đa với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giữ nguyên ở mức 0,5%/năm.
Lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ với các tổ chức tín dụng cũng giảm 0,5% xuống còn 5%/năm. Lãi suất tái cấp vốn giảm 0,5% xuống 4,5%/năm. Lãi suất tái chiết khấu từ 3,5% xuống còn 3%/năm.
Trần lãi suất cho vay ngắn hạn bằng VND với nhóm ngành ưu tiên cũng được điều chỉnh từ 4,5% xuống 4%/năm. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa của Quỹ tín dụng nhân dân và Tổ chức tài chính vi mô đối với các nhu cầu vốn này giảm 0,5% xuống 5%/năm.
Như vậy chỉ trong vòng 6 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã giảm trần lãi suất huy động đến 3 lần. Lần thứ nhất vào đầu tháng 4, trần lãi suất từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm từ 6% về 5,5%/năm, tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng từ 1% về 0,5%/năm. Đến cuối tháng 5, trần lãi suất từ 1 tháng đến dưới 6 tháng giảm tiếp 0,5% xuống 5%/năm.
Quyết định này được đưa ra nhằm thực hiện chủ trương của Quốc hội và chỉ đạo của Chính phủ nhằm giảm mặt bằng lãi suất, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn, góp phần phục hồi sản xuất kinh doanh.
Bên cạnh đó, việc giảm lãi suất theo Ngân hàng Nhà nước được một số yếu tố tích cực từ tình hình tài chính tác động như lạm phát được kiểm soát và thanh khoản của các tổ chức tín dụng được đảm bảo.
CABO Teams tổng hợp