Từ giữa tháng 3/2023, lãi suất tiết kiệm tại các ngân hàng thương mại đã liên tục bị điều chỉnh giảm. Hiện tại, lãi suất tiết kiệm với kỳ hạn một năm tại các ngân hàng đã giảm ít nhất 2,5-3% so với giai đoạn cao điểm. Dẫu vậy, lãi suất cho vay, nhất là các khoản cũ (lãi suất thả nổi), lại giảm rất chậm.
Ghi nhận tại nhiều ngân hàng, lãi suất cho vay thấp hiện chỉ áp dụng cho các khoản vay mới. Theo đó, trong thời gian đầu (6-24 tháng), khách hàng có thể được hưởng mức ưu đãi từ 7-9%. Còn lãi suất thả nổi của các khoản vay cũ giảm ít và không đồng đều, tùy vào chính sách từng ngân hàng.
Hiện, lãi suất vay thế chấp thả nổi tại nhóm ngân hàng quốc doanh như Vietcombank về khoảng 10,5% một năm. Ở một vài nhà băng tư nhân như ACB, Techcombank là 11,5% một năm, một số đơn vị khác dao động trên 13% một năm.
Lý giải cho hiện tượng này, bà Bùi Thúy Hằng, Phó Vụ trưởng Chính sách tiền tệ (Ngân hàng Nhà nước) cho biết vào cuối năm ngoái, do nhiều lý do vĩ mô, chi phí huy động luôn ở mức cao nên các ngân hàng cũng phải tăng lãi suất cho vay để cân đối nguồn tiền. Đến nay, các khoản vay cũ vẫn chịu một phần chi phí huy động cao từ cuối năm ngoái.
Đồng tình với quan điểm trên, Tổng giám đốc một ngân hàng tư nhân cho biết việc điều chỉnh bên cạnh phụ thuộc vào chính sách của từng ngân hàng còn tính đến độ trễ của việc điều chỉnh giá vốn trong hoạt động.
Ông này cho biết, chi phí huy động đã giảm nhanh trong nửa năm gần đây, đồng nghĩa với việc ngân hàng huy động được lượng tiền gửi mới với chi phí thấp hơn. Tuy nhiên, cao điểm của thời kỳ lãi suất cao rơi vào tháng 12/2022 đến tháng 2/2023. Tức các khoản huy động giai đoạn này vẫn chưa đáo hạn. Do đó, ngân hàng vẫn phải trả chi phí đầu vào cao.
Giá vốn bình quân đầu vào của ngân hàng sẽ giảm mạnh hơn vào giai đoạn cuối năm nay và đầu năm sau (lúc các khoản huy động cũ đáo hạn), chi phí huy động cũng sẽ được điều chỉnh. Khi đó, người đi vay sẽ “dễ thở” hơn.
CABO Team tổng hợp