Biên độ tăng phổ biến ở mức 0,3-0,6% một năm, chủ yếu nằm ở kỳ hạn 6 và 9 tháng. Lãi suất gửi online thường cao hơn từ 0,1% đến 0,2%, có nơi trả cao hơn 1% một năm so với khi gửi tại quầy.
Sacombank và MB là hai đơn vị tăng lãi suất mạnh nhất đợt khảo sát này với mức 1% một năm cho tiền gửi tiết kiệm 9 tháng. Ngoài ra, Sacombank cũng tăng 0,1-0,2% một năm cho các kỳ 1, 6 và 12 tháng online. Ở kênh giao dịch trực tiếp tại quầy, ngân hàng này cộng thêm 0,1-0,35% một năm cho tất cả kỳ hạn phổ biến.
MB trở lại “cuộc đua” tăng lãi sau 4 tháng vắng bóng. Ngoài mức tăng mạnh cho tiền gửi 9 tháng, nhà băng này tăng 0,3-0,4% cho kỳ 1, 3 và 12 tháng. Riêng khách hàng gửi tiết kiệm 6 tháng được cộng tới 0,9% một năm. Tuy có biên độ tăng mạnh, Sacombank và MB vẫn nằm trong nhóm trung bình về lãi suất do mức nền vốn đã ở mức thấp trước đó.
Từ giữa tháng 3 đến nay, DongABank đã có 6 đợt tăng lãi suất. Nhờ thế, ngân hàng này hiện vươn lên vị trí thứ 3 về lãi suất tiết kiệm 12 tháng tại quầy, trong khi hồi đầu năm chỉ ở vị trí thứ 16. Kỳ này DongABank đã tăng thêm 0,3% một năm vào lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6, 9 và 12 tháng.
HDBank sau đợt giảm lãi trái chiều thị trường, nay đã điều chỉnh tăng ở kênh online. Nhà băng này cộng 0,1% cho lãi suất kỳ 1 và 3 tháng, cộng 0,6% cho 6 và 9 tháng, gửi 12 tháng được thêm 0,05%. Mức lãi của các kỳ hạn phổ biến vẫn giữ nguyên nếu khách hàng chọn gửi tại quầy.
Sau nhiều đợt điều chỉnh, tích cực nhất là nhóm ngân hàng top dưới, lãi suất tiết kiệm các kỳ hạn ngắn như 1 và 3 tháng bắt đầu lập mặt bằng mới. Hiện có 12 đơn vị trả lãi quanh mốc 4% một năm cho hai kỳ hạn này.
Với tiền gửi 12 tháng, lãi suất trung bình toàn thị trường đạt 6,3% tại quầy và 6,49% online. SCB tiếp tục là ngân hàng trả lãi tiền gửi 12 tháng cao nhất với 7,45% tại quầy và 7,5% cho kênh online.
Sau đợt nhích nhẹ vào cuối tháng 7 đến đầu tháng 8, lãi suất tiết kiệm của nhóm ngân hàng quốc doanh vẫn giữ nguyên đến nay. Như thường lệ, các nhà băng có vốn hóa trung bình và nhỏ tiếp tục dẫn dắt “cuộc đua”.
Ngoài tăng lãi, nhiều đơn vị khuyến khích người dân gửi tiền qua hàng loạt chương trình khuyến mãi tặng quà, trúng thưởng, cộng tiền… Song song đó, nếu khách hàng chọn các gói tài khoản đặc biệt kèm điều kiện về số tiền, thời gian gửi, không được phép rút ra trước hạn… còn được ngân hàng áp dụng mức lãi cao hơn, có thể lên đến 7,75% cho kỳ hạn 12 tháng.
Thống kê của Chứng khoán Agribank (Agriseco) cho thấy trong 6 tháng đầu năm, các ngân hàng thương mại có dấu hiệu tăng lãi suất huy động trước nguy cơ lạm phát cùng việc chịu áp lực thanh khoản hệ thống khi tăng trưởng tín dụng luôn duy trì cao hơn tăng trưởng huy động. Theo số liệu từ Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm đạt mức 9,35% trong khi huy động vốn chỉ tăng khoảng 4,5%. Nhiều nhà băng đã đồng loạt tăng lãi suất tiết kiệm, dao động từ 5,5-7,55% một năm với kỳ hạn 12 tháng, cao hơn khoảng 0,7% so với đầu năm.
Với diễn biến thời gian qua, SSI Research đánh giá lãi suất huy động tăng nhanh hơn dự kiến. Đơn vị này nhận thấy áp lực tăng lãi trong nửa cuối năm 2022 sẽ hiện hữu nếu hạn mức tín dụng được nới. SSI Research kỳ vọng biên độ tăng đạt 50-70 điểm cơ bản sau khi nới hạn mức tăng trưởng tín dụng. Cả năm, lãi suất tiết kiệm được dự đoán tăng 1-1,5%.
CABO Teams tổng hợp