Trong báo cáo tài chính 2023, doanh thu của Samsung Electronics đã giảm gần 15%, còn 200 tỷ USD. Lãi ròng chỉ bằng khoảng 1/4, ở mức 11,8 tỷ USD, so với lợi nhuận 42,6 tỷ USD của năm 2022.
Trong bức tranh ảm đảm, 4 nhà máy sản xuất tại Việt Nam vẫn chiếm tỷ trong lớn trong chuỗi cung ứng của Samsung Electronics khi đóng góp khoảng 30% doanh thu và 33,5% lợi nhuận cho tập đoàn này.
Samsung Thái Nguyên (SEVT) đứng đầu với khoảng 23 tỷ USD doanh thu và gần 1,7 tỷ USD lợi nhuận. So với 2022, doanh thu của nhà máy này giảm hơn 15%, còn lợi nhuận giảm gần 18%.
Hiện, SEVT cũng là nhà máy sản xuất điện thoại thông minh lớn nhất thế giới của Samsung. Nhà sản xuất Hàn Quốc đầu tư vào Thái Nguyên từ năm 2013 với vốn ban đầu 2 tỷ USD và đến nay số vốn đăng ký đã tăng lên gần 4 lần, đạt hơn 7,5 tỷ USD.
Tương tự, doanh thu của 2 nhà máy tại Bắc Ninh là Samsung Electronics (SEV) và Samsung Display (SDV) đều giảm. Năm 2023, hai nhà máy này mang về cho công ty mẹ hơn 15 tỷ và 18 tỷ USD, giảm lần lượt 15% và 6% so với 2022. Lợi nhuận SEV đạt 1,1 tỷ USD, còn SDV ghi nhận hơn 800 triệu USD, giảm khoảng 10% mỗi nhà máy.
Cơ sở duy nhất tại TP HCM – Samsung Electronics HCMC CE Complex (SEHC) thu về 4,6 tỷ USD) và lợi nhuận hơn 300 triệu USD. SEHC là nhà máy duy nhất ghi nhận tăng trưởng về lợi nhuận trong tổ hợp Samsung Việt Nam, khoảng 4,2% so với năm 2022.
Samsung đã đầu tư 18 tỷ USD vào Việt Nam và có kế hoạch nâng lên 20 tỷ USD. Cuối năm ngoái, trong cuộc gặp với Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông Park Hark Kyu, Tổng giám đốc phụ trách tài chính Tập đoàn Samsung, cho biết hãng muốn duy trì vị trí nhà đầu tư FDI lớn nhất tại Việt Nam trong vòng 2-30 năm tới.
CABO Team tổng hợp