Theo CNBC, trong quý 2/2022, công ty thương mại điện tử Alibaba lần đầu ghi nhận doanh thu đi ngang so với cùng kỳ năm 2021. Trong khi đó, doanh thu của gã khổng lồ trò chơi và truyền thông xã hội Tencent sụt giảm kỷ lục. Trong khi đó, JD.com – công ty thương mại điện tử lớn thứ 2 Trung Quốc – công bố mức tăng trưởng doanh thu chậm nhất trong lịch sử. Hãng xe điện Xpeng cũng lỗ nặng hơn dự báo. Tổng giá trị vốn hóa thị trường của các công ty công nghệ hàng đầu Trung Quốc đã bốc hơi hơn 700 tỷ USD.
Trong quý 2, các đợt bùng dịch mới khiến Trung Quốc chao đảo. Những thành phố lớn như Thượng Hải bị phong tỏa trong nhiều tuần.
Nền kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 0,4% trong quý 2. Triển vọng kinh tế u ám tác động nghiêm trọng tới sức mua của người tiêu dùng và chi tiêu cho quảng cáo, điện toán đám mây của doanh nghiệp.
“Trong tháng 4 và tháng 5, doanh số bán lẻ lao dốc so với cùng kỳ năm ngoái vì dịch bệnh tái bùng phát ở Thượng Hải và các thành phố lớn khác”, ông Daniel Zhang – Giám đốc điều hành của Alibaba – chia sẻ. Đến tháng 6, doanh số đã phục hồi nhưng vẫn còn chậm chạp.
Tencent – một trong những công ty game lớn nhất thế giới – cũng không miễn nhiễm với tác động của dịch bệnh. Doanh thu từ dịch vụ fintech (tài chính công nghệ) của tập đoàn giảm tốc tăng trưởng so với các quý trước đó. Nguyên nhân là người tiêu dùng ít ra ngoài và sử dụng dịch vụ thanh toán WeChat Pay.
Doanh thu quảng cáo trực tuyến của Tencent cũng lao dốc khi các doanh nghiệp cắt giảm chi tiêu cho quảng cáo.
Các công ty còn lại cũng chịu ảnh hưởng không nhỏ từ các đợt phong tỏa, khiến chi phí hoạt động và hậu cần của JD.com tăng cao. Trong khi đó, hãng xe điện Xpeng ước tính sản lượng trong quý III đạt 29.000-31.000 xe, thấp hơn dự báo của thị trường.
Môi trường kinh tế vĩ mô của Trung Quốc đang xấu đi. Trong khi đó, lĩnh vực công nghệ của Trung Quốc còn chịu thêm sức ép từ môi trường pháp lý chặt chẽ hơn. Trong 2 năm qua, giới chức Bắc Kinh đã tăng cường kiểm soát trong các lĩnh vực từ chơi game đến bảo mật dữ liệu.
CABO Teams tổng hợp