Hình ảnh Lầu Năm Góc cháy rụi lan truyền khắp các mạng xã hội và khiến thị trường chứng khoán Mỹ lao động trong thời gian ngắn trước khi các tin tức được đính chính. Sự kiện này lại một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về những ảnh hưởng tiêu cực mà các sản phẩm được tạo ra bởi trí tuệ nhân tạo mang lại trong thời đại công nghệ số.
Mọi chuyện bắt đầu vào hôm 22/5 khi một tài khoản Twitter với tick xanh là “Bloomberg Feed” chia sẻ hình ảnh về một “vụ nổ lớn” ngay gần khu vực Lầu Năm Góc – trụ sở Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ.

Tin giả này nhanh chóng lan truyền mạnh mẽ và được cả những kênh truyền thông lớn như Russia Today của Nga và Republic của Ấn Độ chia sẻ lại và hiện tại cả 2 đều đã xóa tweet.
Cơ quan bảo vệ Lầu Năm Góc (Pentagon Force Protection Agency – PFPA) cho biết đã nghe về báo cáo kể trên và khẳng định không hề có vụ nổ hay sự cố nào xảy ra trong phạm vi Lầu Năm Góc khi các hình ảnh kể trên lan tràn trên mạng xã hội.
Tuy nhiên nhiều người dùng Twitter lại tỉnh táo hơn khi nhận ra những điểm bất hợp lý trong hình ảnh kể trên, tất nhiên, vì đó là do AI tạo ra.
Chỉ số S&P500 đã giảm 0,26% nhưng nhanh chóng hồi phục sau khi tin tức kể trên được xác nhận là giả.
Đây không phải lần đầu các công cụ AI được sử dụng để tạo ra tin giả mạo và nội dung lừa đảo. Đầu tháng 5, tờ báo Ai-len The Irish Times đã phải đăng đàn xin lỗi sau khi bị lừa xuất bản một bài báo do AI tạo ra.
Các video “deepfakes” do AI thực hiện (đặc biệt là trong lĩnh vực tiền số) thường được sử dụng để lừa đảo. Một ví dụ đáng chú ý là một video deepfake nhà đồng sáng lập sàn FTX, Sam Bankman-Fried, đã được lan truyền ngay sau khi sàn giao dịch sụp đổ và cố gắng lừa người dùng FTX đến một trang web giả mạo để nhận “giveaway”.
CABO Teams tổng hợp