Đến cuối ngày 26/6, Nga vẫn chưa thể thanh toán khoản lãi 100 triệu USD và euro trước hạn chót, vốn đã được ân hạn một tháng từ ngày 25/5. Đây được coi là động thái cho thấy Nga vỡ nợ nước ngoài lần đầu kể từ năm 1918, khi chính quyền Nga từ chối công nhận các khoản nợ từ thời Sa hoàng.
Sau khi mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, Nga đã chịu loạt lệnh trừng phạt từ phương Tây, khiến dự trữ ngoại hối của ngân hàng trung ương bị đóng băng và các ngân hàng lớn bị cắt khỏi hệ thống tài chính toàn cầu SWIFT.
Nga bác bỏ khái niệm “vỡ nợ”, khẳng định nước này đủ tiền để thanh toán bất cứ khoản nợ nào, nhưng bị phương Tây chặn không cho thanh toán. Moskva tuần trước thông báo sẽ trả khoản nợ trái phiếu 40 tỷ USD bằng đồng rúp do “bất khả kháng”. Bộ trưởng Tài chính Nga cũng gọi tình huống này là một “trò hề”.
Chính phủ Mỹ ngày 24/5 thông báo không gia hạn nới lỏng trừng phạt tài chính Nga để nước này thanh toán nợ cho các cá nhân và tổ chức tại Mỹ đã mua trái phiếu chính phủ Nga.
“Đây là điều rất rất hiếm, khi một chính phủ có đủ khả năng trả nợ lại bị chính phủ nước ngoài đẩy vào tình trạng vỡ nợ”, nhà phân tích Hassan Malik tại công ty quản lý đầu tư Mỹ Loomis, Sayles & Company nhận định. Thông báo vỡ nợ chính thức thường do các tổ chức xếp hạng tín nhiệm đưa ra, nhưng lệnh trừng phạt của châu Âu khiến các công ty này không thể xếp hạng đối với Nga. Tuy nhiên, trái chủ có thể đưa ra tuyên bố như vậy khi bên sở hữu 25% trái phiếu nước ngoài nhất trí rằng Nga “vỡ nợ”.
Thư ký Báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre hôm 26/5 cho rằng kịch bản Nga vỡ nợ không gây ra tác động đáng kể đến kinh tế Mỹ và thế giới do Moskva “vốn đang bị cô lập tài chính”.
Năm 1998, quốc gia này trải qua khủng hoảng tài chính và sự sụp đổ của đồng rúp, nhưng vẫn chi trả được các khoản nợ nước ngoài vào thời điểm đó.
Để phản đối chiến dịch quân sự của Moskva, Liên minh châu Âu (EU) đã áp đặt 6 gói trừng phạt, tịch thu tài sản của các tài phiệt cùng quan chức Nga, kiểm soát xuất khẩu hàng hóa và cấm nhập khẩu than, dầu Nga.
Tuy nhiên, một số quan chức EU nhận định các tỷ phú nước này vẫn có thể sống tốt mà không cần du thuyền hay tài sản ở phương Tây, trong khi việc kiểm soát xuất khẩu hàng hóa Nga có thể làm lợi cho Trung Quốc hay một số nước khác.
Nga đáp trả bằng cách cấm xuất khẩu hơn 200 mặt hàng trong lĩnh vực viễn thông, y tế, ôtô, nông nghiệp, kỹ thuật điện và công nghệ đến hết năm 2022. Moskva cũng cấm hàng loạt quan chức phương Tây nhập cảnh, trừng phạt hàng chục công ty năng lượng phương Tây cũng như yêu cầu các nước “không thân thiện” phải mua năng lượng Nga bằng đồng rúp.
Theo dõi CABO Capital qua các tài khoản chính thức bên dưới: