Vào đêm ngày 03/03 theo giới Việt Nam, ứng dụng ví MetaMask và giao thức cơ sở hạ tầng blockchain Infura (đều nằm dưới quyền sở hữu bởi công ty ConsenSys lập nên bởi đồng sáng lập Ethereum Joseph Lubin) cùng chợ NFT lớn nhất thế giới OpenSea đều đã ra thông báo sẽ bắt đầu giới hạn những người dùng đến từ các quốc gia và vùng lãnh thổ bị Mỹ cấm vận. Cả 3 cái tên nêu trên đều là những trụ cột trong hệ sinh thái Ethereum, được sử dụng bởi đông đảo nhà đầu tư tiền số và nhà phát triển dự án crypto.

Đầu tiên, OpenSea đã tiến hành chặn/xóa tài khoản của các họa sĩ NFT đến từ Iran. Nhiều người khẳng định tài khoản của họ bị xóa mà không hề có một lời cảnh báo nào.
Trước làn sóng phản đối, OpenSea đã lên tiếng trần tình trên Twitter như sau: “Chúng tôi thành thật xin lỗi những họa sĩ và nhà sáng tạo nội dung bị ảnh hưởng, nhưng OpenSea có chính sách nghiêm ngặt liên quan đến yêu cầu cấm vận. Chúng tôi là một công ty của Mỹ và vì thế phải tuân thủ quy định pháp luật tại đây, đồng nghĩa với việc chúng tôi bị buộc phải chặn người dùng ở những quốc gia nằm trong danh sách cấm vận”.
Trong khi đó, nhiều người dùng Infura và MetaMask tại Venezuela lại tuyên bố họ cũng bị chặn, dù không nằm trong danh sách cấm vận. Infura sau đó đã phải lên tiếng xin lỗi và thừa nhận đây là sai sót kỹ thuật.
Vào ngày 2/3, chính quyền Tổng thống Biden đã phát đi thông báo yêu cầu các công ty và sàn giao dịch tiền mã hoá hợp tác trong việc ngăn chặn Nga sử dụng các loại tài sản số để “lách” các lệnh trừng phạt của phương Tây. Những động thái mới nhất của MetaMask, Infura và OpenSea rất có thể là động thái đáp lại lời kêu gọi kể trên.
Mặc dù vậy, cộng đồng tiền mã hóa đã bày tỏ sự quan ngại sâu sắc trước động thái mang tính “cực đoan” của cả 3 nền tảng này vì đây là những hành động mang tính “tập quyền”, và đi ngược lại hoàn toàn với bản chất phi tập trung, tự do tài chính cũng như chống kiểm duyệt của của khái niệm DeFi nói riêng và các ứng dụng liên quan đến blockchain nói chung.
Những diễn biến trên cũng là sự tiếp nối những tranh cãi xoay quanh sự kiểm soát của chính quyền lên các công ty tiền mã hóa, bắt đầu từ phong trào biểu tình “Đoàn xe Tự do” tại Canada hồi giữa tháng 02/2022 khiến Thủ tướng Canada Justin Trudeau phải ban bố tình trạng khẩn cấp, đến cuộc xung đột Nga – Ukraine hiện tại. CEO Jesse Powell của sàn Kraken có trụ sở tại Canada thừa nhận công ty của ông chắc chắn sẽ phải tuân thủ yêu cầu đóng băng tài khoản tiền mã hoá của bất kỳ ai nếu chính quyền yêu cầu, đồng thời đưa cho người dùng những gợi ý về việc lựa chọn phương thức lưu trữ tài sản số sao cho phù hợp. Vì những phát biểu này, ông Powell đã bị giới chức Canada đưa vào tầm ngắm.

Ukraine mới đây cũng đã yêu cầu các nền tảng giao dịch crypto lớn chặn ví tiền của người dùng Nga, song ông Powell cùng những sàn như Binance, Coinbase đều từ chối làm vậy vì cho rằng điều đó là xâm phạm quyền của người dùng. Song, các sàn đều thừa nhận nếu có bất kỳ chỉ thị nào từ các cơ quan công quyền, họ sẽ không có cách nào khác ngoài tuân thủ.
Một số người dùng trên mạng xã hội Twitter “cay đắng” thừa nhận rằng những động thái kể trên đã làm biến tướng đi khái niệm cũng như những nguyên tắc cơ bản bản của công nghệ chuỗi khối, biến khái niệm “blockchain” giờ đây trở thành “blocked chain”.
CABO Teams tổng hợp