Như vậy, giá yên đã giảm 0,2% so với hôm qua, xuống đáy 8 tháng. Với động thái giảm giá liên tục của đồng yên, giới chức Nhật gần đây đã phải theo dõi sát sao và tuyên bố sẵn sàng hành động khi giá trị đồng nội tệ chạm mức báo động.
Giá trị đồng yên đã bắt đầu yếu đi từ giữa tháng, sau khi Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) hôm 16/6 thông báo giữ nguyên lãi suất ngắn hạn ở mức -0,1% và trần lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm ở mức 0%. Quyết định của BOJ đi ngược hoàn toàn với các đối sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) và Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED).
Năm ngoái, giá yên rơi thẳng xuống mức 146 yen đổi một USD. Việc này khiến Nhật Bản phải chi 65 tỷ USD để hút tiền ra khỏi thị trường, kéo đồng nội tệ khỏi đáy 32 năm so với “đồng bạc xanh”. Đây là lần đầu tiên giới chức Nhật Bản phải “cứu giá” đồng yên kể từ năm 1998.
Tuy nhiên, giới quan chức và các lãnh đạo doanh nghiệp Nhật Bản lại tỏ ra lạc quan hơn về đợt giảm giá năm nay so với hồi 2022. Họ cho rằng đồng yên yếu đi chỉ là tạm thời.
Sau khi yên vượt mốc 145 yen đổi một USD, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản, ông Shunichi Suzuki, sáng nay cho biết sẽ can thiệp nếu có biến động mạnh.
Thứ trưởng Masato Kanda đầu tuần qua cũng khẳng định bộ đã sẵn sàng phản ứng với mọi trường hợp có thể xảy ra nếu tình hình xấu đi.
CABO Team tổng hợp