Báo cáo do Bộ Thương mại Mỹ công bố hồi cuối tuần qua cho thấy chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCEPI) đã tăng 0,4% trong tháng 9 so với tháng trước – bằng kết quả của tháng 8. PCEPI lõi (không tính giá năng lượng và thực phẩm dễ biến động) tăng 0,3% trong tháng 9 – cao hơn 0,2 điểm % so với số liệu của tháng 8. PCEPI là thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Được biết, FED hiện đang theo dõi sát sao tình hình lạm phát lõi để đánh giá liệu các đợt tăng lãi suất vừa qua có đủ để kiềm chế lạm phát, đồng thời giữ ổn định nền kinh tế hay không.
Nhìn chung, lạm phát hiện vẫn ở mức cao nhưng đã giảm tốc và hạ nhiệt từ khi FED can thiệp (bằng cách tăng lãi suất) lần đầu vào tháng 3/2022.
Mặc dù chỉ số PCEPI lõi ghi nhận mức tăng mạnh hồi tháng 9, các số liệu khác lại cho thấy một bức tranh tươi sáng hơn.
Theo dữ liệu từ tờ Wall Street Journal, trong giai đoạn từ tháng 4 – 9, PCEPI lõi tăng với tốc độ đã chuẩn hoá theo năm là 2,8%, giảm đáng kể so với mức 4,5% trong giai đoạn 6 tháng trước đó.
Tại cuộc họp chính sách tháng 9, các quan chức tại FED dự đoán lạm phát lõi tính theo PCEPI lõi sẽ hạ xuống còn 3,7% trong quý IV năm nay.
Báo cáo mới nhất của Bộ Thương mại cho thấy lạm phát sẽ kết thúc năm 2023 dưới mức dự báo kể trên (3,7%). Điều này càng củng cố khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ giữ lãi suất ở mức cao.
Tuy nhiên, một số thước đo được FED theo dõi chặt chẽ, điển hình như lạm phát dịch vụ không tính chi phí nhà ở và năng lượng, đã tăng mạnh trở lại trong tháng 9. Các nhà hoạch định chính sách vẫn có thể tăng lãi suất một lần nữa trong các phiên họp tiếp theo nếu tình hình xấu đi.
Lần gần nhất FED tăng lãi suất là vào tháng 7. Lãi suất điều hành liên bang hiện nằm trong phạm vi 5,25 – 5,5%, cao nhất trong 22 năm.
Đà tăng của lợi suất trái phiếu kho bạc trong thời gian gần đây có thể cho phép FED tạm ngừng tăng lãi suất, miễn là lạm phát tiếp tục hạ nhiệt.
Chủ tịch Jerome Powell đã phát đi tín hiệu rằng rất có thể FED sẽ hoãn tăng lãi suất trong phiên họp tuần này. Cụ Dự trữ Liên bang muốn xem nền kinh tế Mỹ phản ứng như thế nào sau 11 đợt tăng lãi suất trước đây cũng như sau khi lợi suất trái phiếu kho bạc tăng mạnh.
“Có thể lãi suất vẫn chưa đủ cao và cũng chưa được duy trì trong thời gian đủ dài”,
Chủ tịch FED – ông Jerome Powell – phát biểu tại sự kiện của Câu lạc bộ kinh tế New York
Việc lợi suất bật tăng có thể kéo chi phí đi vay lên cao hơn, qua đó làm chậm tăng trưởng kinh tế. Tất cả các khoản vay từ vay thế chấp mua nhà, vay mua xe ô tô đến vay kinh doanh đều có thể bị ảnh hưởng.
Chi tiêu tiêu dùng, động lực chính của nền kinh tế lớn nhất thế giới, đã tăng 0,7% trong tháng 9 so với tháng liền trước. Người Mỹ đã bắt đầu chi tiền nhiều hơn.
Chi tiêu tiêu dùng tháng 9 tăng mạnh hơn nhiều so với thu nhập. Báo cáo của Bộ Thương mại cho thấy thu nhập của người Mỹ tăng 0,3% trong tháng 9.
Tỷ lệ tiết kiệm cá nhân – thước đo dùng để đánh giá số tiền mà người dân còn lại sau khi chi tiêu và đóng thuế – giảm xuống còn 3,4% trong tháng 9.
Đây là mức thấp nhất kể từ tháng 12 năm ngoái, cho thấy các hộ gia đình đã sử dụng một phần tiền tiết kiệm để chi tiêu.
Cũng vào tuần trước, Bộ Lao động đã công bố báo cáo tăng trưởng GDP. Kết quả cho thấy nền kinh tế Mỹ tăng trưởng 4,9% trong quý III (tốc độ đã chuẩn hoá theo năm). Đây là tốc độ nhanh nhất trong 2 năm trở lại đây.
Song, nền kinh tế Mỹ nói riêng và toàn cầu nói chung sẽ phải đối mặt với nhiều rào cản mới trong bối cảnh tình hình vĩ mô có nhiều biến động khó lường, đặc biệt là xung đột kéo dài giữa Nga – Ukraine hay mới đây hơn là Israel – Hamas.
CABO Team tổng hợp