Chỉ trong vòng hai tháng, chỉ số của sàn chứng khoán TP.HCM VN-Index đã phục hồi khá tốt 1.031 lên 1.140 điểm và tình hình thanh khoản cũng đã tạm thời được cải thiện. Riêng trên HoSE, những phiên giao dịch với thanh khoản từ 18.000-20.000 tỷ đồng bắt đầu xuất hiện nhiều hơn, đây là mức tăng mạnh so với mức 11.000-12.000 tỷ đồng trong tháng 5.
Tuy nhiên, thị trường chứng khoán đã có dấu hiệu chững lại trong những phiên gần đây, VN-Index hiện đang dao động quanh mốc 1.125-1.135 điểm, thanh khoản cũng giảm về 12.000-14.000 tỷ đồng cho mỗi phiên.
Diễn biến của thị trường chứng khoán được các chuyên gia đánh giá là đáng thất vọng khi thị trường thời gian qua đã ghi nhận nhiều tin tức tích cực như Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) giữ nguyên lãi suất điều hành, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) hạ lãi suất lần thứ tư liên tiếp kể từ đầu năm, Quy hoạch điện VIII được phê duyệt, thuế VAT giảm… Trong đó, việc lãi suất tiết kiệm liên tục bị điều chỉnh giảm chính là điều kiện cần để thị trường chứng khoán thu hút dòng tiền. So với cuối năm 2022, lãi suất tiền gửi cao nhất đã giảm từ mốc 11-12% về 6-7,5% một năm. Mức 8% một năm gần như vắng bóng. Vậy, điều gì đã ngăn các nhà đầu tư “trở lại” với thị trường chứng khoán?
Lý giải cho tình hình này, ông Nguyễn Tuấn Anh, Chủ tịch FinPeace, nhận định, thị trường đang chịu tác động trái chiều từ 2 yếu tố: Một bên là sự hỗ trợ tích cực từ chính sách, một bên là tình hình kinh doanh không mấy tích cực.
Các số liệu cho thấy sức khỏe nền kinh tế còn yếu
Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, GDP quý II tăng 4,14% so với cùng kỳ, chỉ khá hơn quý II/2020 – đáy của giai đoạn 2011-2023 (thời điểm dịch bệnh mới bùng phát).
Theo báo cáo phân tích của S&P Global, sản lượng, số đơn hàng mới sụt mạnh, các công ty bắt đầu cắt giảm nhân sự và các hoạt động mua sắm cũng bị tạm ngưng nếu không thực sự cần thiết. Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 6 đạt 46,2 điểm, vẫn ở dưới ngưỡng bình quân 50 (điều kiện sản xuất ở mức bình thường) tháng thứ 4 liên tiếp.
Chia sẻ của lãnh đạo các doanh nghiệp và công bố kết quả 2 tháng vừa qua cũng thể hiện phần nào mảng xám này. Các doanh nghiệp đầu ngành thủy sản như Minh Phú (UPCoM: MPC) hay Vĩnh Hoàn (HoSE: VHC) đều có kết quả kinh doanh không mấy khả quan trong 5 tháng đầu năm. Ông Lê Văn Quang, Tổng giám đốc Minh Phú kỳ vọng tình hình sẽ khá hơn từ tháng 8, nếu không thì “sẽ khó hoàn thành kế hoạch kinh doanh 2023”.
Trong ngành may mặc, Dệt may Thành Công (HoSE: TCM) cho biết không hoạt động tối đa công suất và quý II thiếu đơn hàng. Chủ tịch TCM Trần Như Tùng chia sẻ đầu năm công ty kỳ vọng đơn hàng sẽ khởi sắc từ quý III nhưng với diễn biến hiện nay, tình trạng ảm đạm có thể kéo dài sang quý IV, trong trường hợp xấu hơn thì sang cả năm 2024.
Ở lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, Digiworld (HoSE: DGW), Đầu tư Thế Giới Di Động (HoSE: MWG) hay Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (HoSE: PNJ) cũng ghi nhận sự sụt giảm đáng kể trong doanh thu và lợi nhuận.
Dòng tiền yếu cũng là lý do khiến thị trường chưa khởi sắc
Ngoài sức khỏe của doanh nghiệp, dòng tiền yếu cũng là lý do khiến thị trường chưa thực sự khởi sắc.
“Ở thị trường có quy mô nhỏ như Việt Nam, dòng tiền đôi khi lấn át 2 yếu tố chính sách và nội tại của doanh nghiệp”, ông Nguyễn Hồng Điệp, chuyên gia trong lĩnh vực chứng khoán, nhà sáng lập đơn vị cung cấp dịch vụ tư vấn đầu tư cá nhân VICK, cho biết.
Theo ông Điệp, tính đến cuối tháng 6, nếu xét riêng trên HoSE, thanh khoản khớp lệnh đã đạt 15.000 tỷ đồng, đây là mức tốt và phù hợp với điểm số VN-Index cùng thời điểm. Để thị trường bứt lên mốc cao hơn thì thanh khoản bình quân phiên cần bình khoảng 18.000-20.000 tỷ đồng.
Ông Điệp cho biết, có hai nguồn tiền chính trên thị trường là từ người dân và từ chính sách nới lỏng tiền tệ. Nhà sáng lập VICK phân tích, một dòng tiền lớn trong dân từ tiền gửi tiết kiệm cuối năm ngoái (thời điểm lãi suất ở mức cao) đã đáo hạn và rất có thể sẽ chảy vào chứng khoán. Tuy nhiên, hướng đi của dòng tiền này phụ thuộc vào việc nhà đầu tư có ra được sức hút của thị trường chứng khoán hay không và có một sự thật là các kênh đầu tư phổ biến khác như vàng, ngoại tệ, bất động sản đều đang khó khăn, còn lãi suất tiết kiệm đều đã được điều chỉnh giảm theo chính sách từ NHNN.
Tuy vậy, dòng tiền còn lại mới thực sự mang vai trò dẫn dắt thị trường. Các chính sách vĩ mô có vẻ hướng về nới lỏng tiền tệ nhưng theo ông Nguyễn Hồng Điệp, đang mang tính chất định hướng và hình thức. Ông nhận định chỉ khi tăng trưởng tín dụng duy trì ở mức độ cao, cung trên thị trường mở được bơm ra hay Ngân hàng Nhà nước hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc, luồng tiền vào thị trường chứng khoán mới có thể mạnh lên.
Ngoài ra, ông lưu ý nhà đầu tư rằng đại diện cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED) đã khẳng định sẽ còn 2 đợt tăng lãi suất từ nay đến cuối năm và các cơ quan quản lý sẽ lấy đây làm căn cứ để điều chỉnh chính sách tiền tệ sao cho hợp lý.
Dòng tiền được dự báo sẽ trở lại thị trường chứng khoán nhưng không thể mạnh như giai đoạn dịch bệnh
Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Yuanta Việt Nam, cho rằng bối cảnh hiện tại có khác biệt rất lớn so với năm 2021. Khi đó là thời kỳ “tiền rẻ”, các ngân hàng trung ương thi nhau bơm tiền ra thị trường để khôi phục nền kinh tế sau dịch. Đồng thời, đây là giai đoạn vàng, thu hút rất nhiều nhà đầu tư F0 cũng như doanh nghiệp có nguồn tiền nhàn rỗi.
Ở thời điểm hiện tại, trải qua giai đoạn khó khăn hậu đại dịch, tiền của người dân và doanh nghiệp đã không còn “rủng rỉnh”. Giám đốc Phân tích Yuanta đánh giá doanh nghiệp đang dồn tiền để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh, tái cấu trúc nợ, giảm áp lực trái phiếu. Người dân cũng mang tâm lý thận trọng sau khi trải qua một năm 2022 nhiều sóng gió, cuốn bay thành quả đầu tư trước đó hay thậm chí là âm vốn.
Ngoài ra, triển vọng của 2 giai đoạn cũng rất khác nhau. Năm 2021 là kỳ vọng nền kinh tế phục hồi mạnh sau khi dịch bệnh được kiểm soát, còn hiện nay thì triển vọng kinh tế kém đi, rủi ro bước vào thời kỳ suy thoái vẫn còn.
Đồng quan điểm, ông Tuấn Anh của FinPeace cho rằng người dân phải rất cân nhắc khi chuyển tiền từ một kênh an toàn như tiết kiệm sang kênh rủi ro cao như chứng khoán để đầu tư. Hơn nữa, diễn biến thị trường hiện chỉ mới phục hồi nhẹ, nếu tính trong giai đoạn 6 tháng đầu năm vẫn đang đi ngang. Điều này chỉ thu hút lãnh đạo doanh nghiệp, các nhà đầu tư dài hạn, chuyên nghiệp nhìn thấy tiềm năng phục hồi từ đáy, trong khi phần đông nhà đầu tư cá nhân chưa nhận diện được cơ hội.
Mặt khác, thị trường chịu áp lực chốt lời của bộ phận nhà đầu tư ngắn hạn do có nhiều mã đến hiện tại đã có mức tăng giá tốt, thậm chí gấp đôi so với đáy. Song, nhà đầu tư dài hạn nắm giữ cổ phiếu từ giai đoạn 2021 và 2022 vẫn còn lỗ lớn và không sẵn sàng tham gia thị trường ở vùng giá hiện nay do các lo ngại về suy thoái.
Dự báo cuối năm, các chuyên gia kỳ vọng thị trường sẽ có sự bứt phá mạnh từ tháng 9 và 10 khi nhận ủng hộ từ yếu tố vĩ mô, nội tại doanh nghiệp, VN-Index được dự báo lên vùng 1.200-1.250 điểm.
CABO Team tổng hợp