Trong một thông báo chính thức được đăng tải trên Twitter vào ngày 20/5, OpenSea cho biết nền tảng mới sẽ được gọi là Seaport, cung cấp cho người dùng thêm tùy chọn để sở hữu NFT. Nếu như trước đây các nhà giao dịch chỉ có thể dùng tiền mã hóa để mua NFT thì giờ đây với Seaport, họ sẽ được quyền sử dụng cả tiền mã hóa và NFT gộp lại với nhau để đổi lấy một NFT có giá trị tương ứng mà họ mong muốn.
Ngoài ra, người dùng Seaport cũng được đấu giá NFT thông qua các đặc điểm cụ thể từ một bộ sưu tập ngẫu nhiên. Tính năng này dành cho những trường hợp mà người mua không quan tâm loại NFT họ nhận được, miễn là nó có một đặc điểm mà họ đang tìm kiếm. Ví dụ: khi nhà giao dịch muốn thu thập các NFT mang biểu cảm tươi cười thì đều có thể đặt giá thầu cho bất kỳ chú vượn nào có trạng thái như vậy từ bộ sưu tập BAYC. Bên cạnh đó, nền tảng còn hỗ trợ thêm chức năng tiền tip, miễn là số tiền không vượt quá các đề xuất ban đầu của nền tảng.
OpenSea khẳng định họ không hoàn toàn kiểm soát hoặc vận hành nền tảng Seaport, công ty chỉ đơn thuần là một trong số rất nhiều nhà phát triển Seaport. Những gì OpenSea đang xây dựng đều hướng đến mục đích là trao quyền Seaport cho cộng đồng, định vị dự án như tài nguyên giá trị được chia sẻ rộng rãi trên toàn cầu.
Cuối cùng, OpenSea đã kêu gọi tất cả các nhà phát triển cùng tham gia vào cuộc thi kiểm toán cho Seaport với tổng giá trị giải thưởng lên đến 1 triệu USD, kéo dài 2 tuần để giúp tối ưu hóa cho vấn đề bảo mật và tìm ra lỗi phát sinh trong giai đoạn đầu phát triển nền tảng. Hiện tai, OpenSea đang là sàn giao dịch NFT lớn nhất thế giới, với mức định giá 13,3 tỷ USD sau vòng gọi vốn 300 triệu USD đầu năm nay khi độc chiếm phần lớn khối lượng giao dịch của lĩnh vực.
CABO Team tổng hợp