Kể từ ngày 28/07 vốn hóa toàn thị trường của Tether đã tăng lên mức 0,7%, khoảng hơn 500 triệu USD. Hiện có 66,3 tỷ USDT đang được lưu hành. Điều này mang lại cho Tether tổng thị phần khoảng 43% trong ngành.
Nguồn cung Tether đạt mức cao nhất lịch sử vào đầu tháng 05/2022 khi với mức vốn hóa lên đến 83 tỷ USD. Tuy nhiên sau sự sụp đổ của hệ sinh thái Terra, kết hợp với cuộc khủng hoảng thanh khoản khiến nhiều công ty về mảng lending lâm vào tình cảnh phá sản, nguồn cung Tether đã giảm 21% xuống mức thấp 65,8 tỷ vào cuối tháng 07/2022. Điều này đã cho phép công ty đối thủ Circle tăng thị phần stablecoin USDC của mình, hiện chiếm 36% với vốn hóa thị trường 54,5 tỷ USD.

Vào tháng trước, khối lượng USDC trên Ethereum thực sự đã vượt qua USDT trong một khoảng thời gian khi Circle liên tục có những bước phát triển đáng kinh ngạc, chẳng hạn như sẵn sàng công bố báo cáo bảo chứng USDC, triển khai USDC lên Polygon cho thanh toán Web3 và ra mắt stablecoin bảo chứng bằng đồng EUR.
Ngoài ra, một tín hiệu vui đã xuất hiện trong cuối tuần qua khi đề cập đến lĩnh vực stablecoin, Giám đốc điều hành Binance Changpeng Zhao đã nhận xét về tình hình các nhà đầu tư hiện tại đang sẵn sàng gia nhập lại thị trường, với tuyên bố như sau: “Có 3/10 đồng tiền mã hóa hàng đầu là stablecoin, điều này có nghĩa là có rất nhiều nguồn vốn đang chờ đợi để quay trở lại thị trường. Nếu mọi người muốn thoát ra khỏi ngành, thì họ sẽ không giữ stablecoin làm gì cả”.

Trên thực tế thì một cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt do lạm phát toàn cầu gia tăng có thể đã kìm hãm hoạt động đầu tư và đầu cơ tiền mã hóa đối với các nhà giao dịch bán lẻ. Tuy nhiên, những người sống ở các quốc gia có mức lạm phát đỉnh điểm, chẳng hạn như Argentina, đã sử dụng các stablecoin như một giải pháp “cứu cánh” cho đồng tiền nội địa của họ. Bằng chứng là vừa xuất hiện thương vụ chuyển nhượng cầu thủ bóng đá được giao dịch bằng USDC giữa một đội bóng Argentina và Brazil.
CABO Team tổng hợp