Vào ngày 21/2, chủ tịch Ngân hàng Trung ương Peru ông Julio Velarde đã chia sẻ ý kiến cá nhân và những định hướng mà ngân hàng đang cân nhắc đối với tiền điện tử. Vị lãnh đạo này cho rằng những đặc tính của thị trường crypto nói chung tồn tại điểm yếu chí mạng sao với các loại tiền pháp định. Ông này còn đề cập đến sự biến động của Bitcoin khi cho rằng đây là loại tài sản cực kỳ rủi ro và thiếu đi giá trị nội tại và cho rằng chỉ cần nhà đầu tư mất đi hứng thú trong việc tham gia thị trường, giá trị của đồng BTC có thể trở về con số 0. Cũng giống như tỷ phú Elon Musk, chủ tịch Ngân hàng Trung ương Peru còn bày tỏ những lo ngại về môi trường trong việc “khai thác” và sử dụng tiền mã hóa bởi lẽ quá trính này tiêu tốn rất nhiều năng lượng.
Như vậy, Peru rất có thể sẽ tiếp bước Mexico trong việc từ chối chấp nhận Bitcoin là một loại tiền tệ hợp pháp, bất chấp làn sóng ủng hộ tiền mã hóa tại Mỹ Latinh đang phát triển vô cùng mạnh mẽ.
Hiện tại khu vực Nam Mỹ, Brazil vẫn đang là quốc gia “niềm nở” nhất với khái niệm tiền điện tử. Đơn cử, Brazil đã vô cùng tích cực triển khai các quỹ đầu tư ETF tiền mã hóa toàn diện và tiếp tục đẩy mạnh các chính sách cởi mở liên quan đến crypto trong vài tháng trở lại đây, đây là điều mà rất ít quốc gia trên thế giới làm được. Mới đây, Thị trưởng Rio de Janeiro đã có kế hoạch đầu tư 1% ngân khố của thành phố vào Bitcoin. Ngân hàng đầu tư lớn nhất tại Brazil, BTG Pactual cũng cho phép cung cấp giao dịch Bitcoin và Ethereum. Do đó, quá trình pháp lý tại Brazil đang tiến triển rất gần đến giai đoạn chính thức chấp thuận Bitcoin như một tài sản hợp pháp. Trong một cuộc khảo sát gần đây, có đến 48% người dân Brazil ủng hộ BTC trở thành tiền tệ chính thức.
Song những rào cản về mặt pháp lý lại chính là nguyên nhân dẫn đến sự lao dốc của giá Bitcoin trong 2 tuần trở lại đây, hiện tại, giá Bitcoin chỉ đang rơi vào khoảng 38 nghìn USD, đây là mức điều chỉnh mạnh nhất trong vòng 1 tháng. Đầu tiên là Nga đã tiếp tục trì hoãn việc xem xét các quy định quản lý crypto trong bối cảnh xung đột chính trị căng thẳng giữa nước này và Ukraine đang đạt đỉnh điểm. Bên cạnh đó, trong nội bộ chính phủ Nga cũng đang có những căng thẳng và tranh cãi ngay bên trong nội bộ về vấn đề tiền mã hoá. Trong khi đó, Ấn Độ vẫn tiếp tục chần chừ trọng những nước đi tiếp theo mặc dù Chính phủ và Ngân hàng Trung ương đã tìm được tiếng nói chung.
CABO Teams tổng hợp