Vào ngày 12/07, Ngân hàng châu Âu (ECB) đã chính thức công khai những nghiên cứu của cơ quan về rủi ro cụ thể đối toàn bộ thị trường tiền mã hóa, báo hiệu một viễn cảnh tiêu cực cho ngành khi bắt đầu chịu sức ép từ Châu Âu, khu vực vốn được kỳ vọng sẽ không quá “mạnh tay” với tiền số.
Mối quan tâm đầu tiên được ECB đề cập liên quan đến khí hậu, với lập luận cho rằng có sự lựa chọn giữa việc khuyến khích phiên bản tiền mã hóa thân thiện với môi trường hoặc cấm các đồng coin sử dụng nhiên liệu hóa thạch.
Điều này có nghĩa ECB muốn nhấn mạnh về cơ chế đồng thuận Proof-of-Stake, đây cũng là vấn đề mà giới lập pháp EU đã từng nhấn mạnh trong văn bản họp bí mật về đề xuất cấm PoW.
Nạn nhân tiếp theo của ECB là lĩnh vực DeFi. Ngân hàng chỉ ra hầu hết các giao thức DeFi thực sự vẫn đang trong trạng thái tập trung, đơn thuần mang “vỏ bọc” phi tập trung bên ngoài mà thôi. ECB đã dùng Uniswap làm minh chứng cụ thể, đưa ra lý do các nhà đầu tư nội bộ và cá voi kiểm soát UNI chỉ với 1% tổng số địa chỉ chủ sở hữu token nhưng đang nắm giữ khoảng 97% tổng nguồn cung lưu thông UNI.
Ở chi tiết này, chúng ta có thể dễ dàng nhận ra quan điểm của ECB có phần tương đồng với Chủ tịch SEC Gary Gensler khi bản thân ông cũng đã và đang giữ vững lập trường ngành crypto đang bị thao túng “cực mạnh”.
Cuối cùng, ECB kết thúc báo cáo bằng các chỉ trích nhắm vào stablecoin, chủ đề mà ngân hàng đã cố gắng phủ quyết kể từ đầu năm 2021. Tuy nhiên sau sự sụp đổ nhanh chóng của hệ sinh thái Terra, ECB cho biết: “Những cuộc khủng hoảng gần đây cho thấy stablecoin không có gì là ‘ổn định’ cả, được minh chứng bằng cuộc khủng hoảng LUNA-UST và những rắc rối xoay quanh vấn đề de-peg của Tether”.
ECB thẳng thắn khẳng định các stablecoin cần phải được đưa vào vòng quy định pháp lý một cách khẩn cấp, bên cạnh quá trình thúc đẩy hoàn thiện dự luật MiCA do EU đề xuất. Dù vậy, trên thực tế thì Ngân hàng trung ương Châu Âu đã hoàn toàn thất bại trong việc giữ trạng thái cân bằng cho đồng EURO so với các loại tiền tệ fiat từ các quốc gia khác. Chỉ trong tuần này, lần đầu tiên đồng tiền chung châu Âu đã đạt mức ngang giá với đồng USD sau gần 2 thập kỷ tồn tại.
Điều thú vị là đối lập với động thái nâng lãi suất liên tục từ Fed thì ECB hồi tháng 02/2022 đã rất tự tin giữ nguyên lãi suất và kết luận Châu Âu khó có thể gặp phải tình trạng lạm phát gia tăng đột biến như thị trường Mỹ đang phải đối mặt.
CABO Team tổng hợp