Tối 20/04 theo giờ Việt Nam, Văn phòng Kiểm soát Tài sản Nước ngoài (OFAC) thuộc Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã đưa BitRiver, một công ty khai thác tiền mã hóa có trụ sở tại Nga, cùng 10 công ty con vào danh sách theo dõi đặc biệt phục vụ mục đích cấm vận. Nước đi này được đánh giá là thể hiện lập trường cứng rắn của Mỹ trước thông tin Nga có thể chấp nhận tiền mã hóa với mục đích lách các lệnh trừng phạt đang được phương Tây áp đặt. Tuy nhiên, hiện chưa rõ liệu BitRiver có liên hệ trực tiếp gì đến chính quyền Nga hay không.
Thông báo của Bộ Tài chính Mỹ tuyên bố: “Thông qua việc vận hành các ‘trang trại’ có khả năng khai thác tiền số trên phạm vi toàn thế giới, những công ty này đang giúp Nga kiếm tiền từ nguồn lực tài nguyên của họ. Hoa Kỳ quyết tâm không để bất kỳ tài sản nào, dù phức tạp đến đâu, trở thành công cụ để chính quyền Putin giảm thiểu tác động của lệnh cấm vận”.
Hồi tháng 01/2022, Bộ Tài chính Nga và Ngân hàng Trung ương nước này đã tranh cãi gay gắt về vấn đề hợp thức hóa crypto. Đích thân Tổng thống Putin khi ấy đã can thiệp và bình luận rằng nước Nga có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển trong lĩnh vực khai thác tiền mã hóa.
Sau khi cuộc xung đột Nga – Ukraine nổ ra, đã có nhiều lo ngại crypto sẽ được Moscow sử dụng để lách các lệnh trừng phạt kinh tế, chấp nhận như là phương thức thanh toán cho các loại tài sản của Nga. Viễn cảnh này đang đứng trước cơ hội trở thành hiện thực hơn bao giờ hết khi Bộ Tài chính Nga được cho là đang hoàn thiện một dự luật chính thức công nhận và xây dựng khung pháp lý crypto.
CABO Team tổng hợp