Theo số liệu từ DappRadar, số lượng người dùng hoạt động tích cực trong 24 giờ của Decentraland chỉ rơi vào khoảng 32 người. Con số này đối với đối thủ The Sandbox thì khấm khá hơn đôi chút với 537 người.
DappRadar đo lường người dùng hoạt động tích cực dựa trên số lượng “địa chỉ ví duy nhất” tương tác với smart contract của nền tảng. Ví dụ: người dùng sử dụng địa chỉ ví đăng nhập vào The Sandbox hoặc Decentraland để mua SAND hay MANA thì đã có thể được xem là một “người dùng tích cực”.
Tuy nhiên, việc tính toán này đã bỏ qua những người dùng chỉ đăng nhập vào thế giới metaverse để dạo chơi, chứ không mua bán token, nghĩa là không có tương tác với smart contract. Những đối tượng này theo lý thuyết cũng có thể xem là người dùng của nền tảng, nhưng các trang phân tích on-chain như DappRadar không thể đo lường số lượng người dùng dạng này.
Vì vậy, số liệu nêu trên không hoàn toàn là đại diện cho số người sử dụng thực tế của Decentraland và The Sandbox. Tuy nhiên, dữ liệu này vẫn có thể cho chúng ta cái nhìn tổng quát về tình hình các nền tảng metaverse ở thời điểm hiện tại.
Vào lúc cao điểm nhất, Decentraland có 675 người dùng hoạt động hàng ngày, còn The Sandbox có khoảng 4.503. Như vậy, dựa theo cách tính của DappRadar thì lượng người dùng hàng ngày của Decentraland đã giảm khoảng 95% so với thời kỳ đỉnh điểm. Còn The Sandbox thì giảm 88%.
Dù có số người dùng thực tế quá ít, cả 2 dự án metaverse này đều được định giá trên 1 tỷ USD – hay được xem là doanh nghiệp “kỳ lân” của ngành. Hồi tháng 4/2022, The Sandbox (SAND) chuẩn bị gọi vốn 400 triệu USD, với mức định giá 4 tỷ USD. Trong khi đó, token MANA của Decentraland đang có tổng vốn hóa thị trường là 1,26 tỷ USD theo dữ liệu từ Coingecko.
Với những con số so sánh như vậy, có thể thấy dù được định giá và kỳ vọng rất cao, nhưng trên thực tế các dự án metaverse chưa có các biện pháp cụ thể và hiệu quả để “níu chân” người dùng.
CABO Team tổng hợp