Tại Việt Nam, từ năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định phê duyệt Đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo nói chung nhưng vẫn chưa thành công.
Trong khi đó, hiện nay, EU và nhiều quốc gia như: Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, Thái Lan, Singapore,… đã tiến gần hơn với việc hoàn thành xây dựng quy định, khuôn khổ pháp lý cho loại sản phẩm mới nổi này.
Ngày 23/2/2024 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 194/QĐ-TTg về việc ban hành kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; trong đó, Thủ tướng giao Bộ Tài chính và các bộ, ngành liên quan xây dựng khung pháp lý đối với tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo, thực hiện trong tháng 5/2025.
Theo Crypto Crunch App, có khoảng 26 triệu người Việt Nam hiện đang nắm giữ các loại tiền ảo và tài sản ảo, cao hơn rất nhiều so với tỉ lệ dân số tham gia thị trường chứng khoán (5-7 triệu người).
Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Blockchain Việt Nam, Phan Đức Trung nhấn mạnh: tài sản ảo là xu thế chung không thể đảo ngược của thế giới. Tổng giá trị tài sản ảo dự kiến sẽ chiếm tới 10% GDP toàn cầu, lên tới 16.000 tỷ USD vào năm 2030. “Việc cấm tài sản ảo là không khả thi. Thay vào đó, chúng tôi cho rằng, cần phải nhanh chóng ban hành các quy định quản lý tài sản ảo và các tổ chức cung ứng dịch vụ tài sản ảo phù hợp với tiêu chuẩn phòng chống rửa tiền của Lực lượng đặc nhiệm tài chính FATF nhằm đưa Việt Nam ra khỏi danh sách Xám theo Quyết định số 194/QĐ-TTg ngày 23/2/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Kế hoạch hành động quốc gia nhằm thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền”, ông khẳng định.
Hiện nay, hoạt động giao dịch tiền ảo tại Việt Nam thông qua các sàn giao dịch đang diễn ra khá sôi động, với các loại tiền số phổ biến như Bitcoin, Ethereum,… Đối với nhà cung cấp dịch vụ tài sản ảo, hiện có hai loại hình chính là sàn giao dịch tập trung và sàn giao dịch phi tập trung.
Tuy nhiên, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho hay, nhiều giao dịch tiền ảo vẫn được thực hiện thông qua tài khoản ngân hàng. Đây là các giao dịch đáng ngờ cần được báo cáo, song do chưa có hành lang pháp lý, nên các giao dịch này là thỏa thuận dân sự, ngân hàng hiện không thể can thiệp. “Giám sát, quản lý tiền mã hóa là nhiệm vụ cấp bách trong giai đoạn hiện nay, mà muốn quản lý được dòng tiền này thì trước hết phải có khung khổ pháp lý”, Tiến sĩ Nguyễn Quốc Hùng khẳng định.
Cũng theo các chuyên gia, việc thiếu khung pháp lý về tiền ảo, tài sản ảo khiến các hoạt động lừa đảo liên quan đến tiền ảo bùng nổ, trong khi Nhà nước thất thu thuế. Vì vậy, việc xây dựng chính sách quản lý về tài sản ảo, tiền ảo là rất cấp thiết.