Binance US đột ngột thông báo hủy bỏ đề xuất mua lại toàn bộ tài sản trị giá lên đến 1 tỷ đô la của nhà môi giới tiền mã hóa đã phá sản – Voyager Digital. Động thái này được xem là hành động kết thúc chuỗi nỗ lực lâu dài nhằm “cứu vớt” Voyager của sàn giao dịch này.
Nhìn lại quá khứ tại thời điểm vào tháng 12 năm ngoái, Binance US — chi nhánh tại Mỹ của tập đoàn tiền điện tử Binance — đã tìm mọi cách thuyết phục các cơ quan quản lý bật đèn xanh cho việc mua lại Voyager trong nhiều tháng. Nỗ lực của sàn đã vấp phải vô số trở ngại, bao gồm cả sự phản đối từ Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch (SEC); Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Hoa Kỳ (Cfius) và một hội đồng liên cơ quan chuyên sàng lọc các vụ mua lại vì rủi ro an ninh quốc gia.
Voyager Digital đã tweet vào thứ Ba rằng họ đã nhận được một lá thư từ Binance US thông báo về việc chấm dứt thương vụ. Nhà môi giới mô tả quyết định này là một động thái “đáng thất vọng” và cho biết theo thủ tục phá sản Chương 11 của nó, kế hoạch tái tổ chức cho phép phân phối trực tiếp tiền mặt và tiền điện tử cho khách hàng.
Việc hủy bỏ thỏa thuận mua lại này được xem là một đòn giáng nặng nề lên những nỗ lực của ngành công nghiệp tiền điện tử khi cố gắng thiết lập và phát triển hơn nữa ở thị trường Hoa Kỳ trong bối cảnh liên tục bị đàn áp bởi các cơ quan quản lý Hoa Kỳ.
“Quyết định và sau đó hủy bỏ quyết định, cho dù vì bất kỳ lý do gì đi chăng nữa, cũng không phải là một hành động đáng tuyên dương”, một nhà vận động hành lang ở Washington, người trước đây đã có cơ hội làm việc với Binance cho biết.
Đầu năm nay, giám đốc điều hành Binance – Changpeng Zhao cho biết công ty dự định rút lại các khoản đầu tư tiềm năng ở Mỹ do môi trường pháp lý bất ổn về lĩnh vực tiền điện tử ở nơi đây.
Binance từ lâu đã tuyên bố rằng công ty liên kết tại Mỹ của họ – Binance US dù được cấp phép cho công nghệ của sàn, song vẫn là một thực thể độc lập. Tuy nhiên, vẫn tồn tại mối liên kết giữa hai bên khi Zhao vẫn là chủ sở hữu và là người hưởng lợi cuối cùng đằng sau Binance US.
Đầu năm nay, các nhà quản lý Hoa Kỳ đã kiện Binance với cáo buộc phần lớn khối lượng giao dịch được báo cáo và lợi nhuận của sàn đều đến từ các khách hàng Hoa Kỳ. Thực tế này càng làm suy yếu tuyên bố lâu nay của sàn rằng cả hai tổ chức là hai thực thể riêng biệt.
Tháng trước, Financial Times tiết lộ Binance đã che giấu mối quan hệ mập mờ với Trung Quốc trong vài năm, khi sàn sở hữu hẳn một văn phòng ở Thượng Hải và một ngân hàng ở Trung Quốc chuyên được sử dụng để trả lương cho một số nhân viên.
Binance US cho biết “môi trường pháp lý không thân thiện và không được đảm bảo ở Hoa Kỳ” đã tạo ra một Hoa Kỳ không thể lường trước.
CABO Team tổng hợp