Với mức giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên của cổ phiếu VNG (VNZ) là 240.000 đồng/cp, “kỳ lân công nghệ” từng được định giá tỷ đô nay chỉ có vốn hóa 8.592 tỉ đồng (tương đương chưa đến 350 triệu USD).
Theo thông tin từ Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), CTCP Công nghệ VNG đã hoàn tất thủ tục đăng ký giao dịch 35,8 triệu cổ phiếu VNZ trên sàn UPCoM bắt đầu từ ngày 5/1/2023. Trong tổng số 35,8 triệu cổ phiếu VNZ, có 28,7 triệu cổ phiếu đang lưu hành và 7,1 triệu cổ phiếu quỹ.
Nếu tính theo mức giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 240.000 đồng/cp, VNZ chỉ có vốn hóa chưa đầy 350 triệu USD. Mức định giá này là thấp hơn rất nhiều so với mức định giá 1 tỷ USD của doanh nghiệp vào năm 2014 và 2,2 tỷ USD do quỹ đầu tư Temasek của chính phủ Singapore định giá vào năm 2019.
Bản công bố thông tin cho biết, vào ngày 28/11/2022, VNG có tổng cộng 3 cổ đông lớn là VNG Limited (có trụ sở tại Cayman Islands) nắm 49% vốn điều lệ (tức 61,1% số cổ phiếu đang lưu hành); Công ty Cổ phần Công nghệ BigV nắm 4,6% vốn điều lệ (tương đương 5,7% số cổ phiếu đang lưu hành) và ông Lê Hồng Minh nắm 9,8% vốn điều lệ (tương đương 12,3% số cổ phiếu đang lưu hành).
Ngoài ra, tại Đại hội cổ đông bất thường năm 2022 của VNG, công ty này cũng đã thông qua việc bán toàn bộ 7,1 triệu cổ phiếu quỹ cho Công ty Cổ phần Công nghệ BigV với giá là 177.881 đồng/cp. Nếu thành bán thành công số cổ phiếu quỹ trên cho BigV, BigV sẽ nâng tỷ lệ sở hữu VNG lên 24,42% vốn điều lệ.
Về tình hình kinh doanh trong quý 3/2022, VNG đạt doanh thu thuần 2.100 tỷ đồng, giảm 3,7% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, khoản lỗ 27,6 tỷ đồng từ công ty liên kết và lỗ khác 26,1 tỷ đồng đã nhấn chìm lợi nhuận của VNG. Kết quả, kỳ lân công nghệ báo lỗ sau thuế 254,5 tỷ đồng, chấp nhận quý thua lỗ thứ 4 liên tiếp.
CABO Team tổng hợp